Ung ho Covid19

Kỹ năng thương lượng

Lắng nghe những đề xuất táo bạo

Lắng nghe những đề xuất táo bạo
Cộng đồng doanh nhân đang háo hức khôi phục đời sống doanh nghiệp. Lắng nghe và đưa ra các quyết sách táo bạo, kịp thời không chỉ động viên mà còn tiếp sức cho doanh nhân khai thác mọi cơ hội đang xuất hiện sau đại dịch.

Từ hôm nay, cộng đồng doanh nhân cả nước bước vào "trận đánh" hậu COVID-19khôi phục nền kinh tế với tinh thần phải thắng trận này.

Khó khăn bủa vây, từng doanh nhân đã ấp ủ những kế hoạch đưa doanh nghiệp vượt qua "nỗi đau", biến "nguy" thành "cơ" để trở lại hoành tráng. Không chỉ thế, họ còn trăn trở, hiến kế với Chính phủ đưa ra quyết sách để cộng đồng doanh nhân đưa kinh tế nước nhà bung ra.

Được đọc, trực tiếp nghe những đề xuất của một số doanh nhân, mới thấy nhiều đề xuất vượt trên tất cả và hết sức táo bạo.

Vì sao lại có những suy nghĩ như thế? Họ nói, Chính phủ từng có quyết sách mạnh mẽ, không theo "quy luật" bình thường để ngăn kinh tế suy giảm, vì vậy doanh nhân cần hiến kế táo bạo, Chính phủ mới có quyết sách hợp lý, đúng thời cơ.

Những doanh nhân này dẫn chứng: Chính phủ đã đề xuất chuyển 8 dự án đường cao tốc Bắc - Nam đầu tư bằng vốn xã hội hóa sang đầu tư công (ước gần 100.000 tỉ đồng) nhằm ngăn kinh tế suy giảm.

Quyết định này không theo quan điểm, nguyên tắc hiện hành: không dùng vốn ngân sách mà dùng vốn xã hội, đặc biệt là Quốc hội đã có nghị quyết đầu tư 8 dự án cao tốc này bằng hình thức đối tác công tư PPP. Nay dùng vốn ngân sách, mọi thứ phải làm lại, kể cả chủ trương.

Nhưng thà vậy còn hơn là các dự án này vỡ tiến độ trong khi nền kinh tế hậu COVID-19 rất cần vốn lan tỏa để tạo việc làm, tiêu thụ hàng hóa.

Hay quyết định dùng ngân sách, giao/chỉ định thầu để sửa đường băng sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài, không theo quy trình đấu thầu vì như thế kéo dài thời gian hư hỏng ở hai đường băng, đó là "tai họa" cho du lịch và hàng không phục hồi sau đại dịch.

Theo tinh thần đó, doanh nhân cũng có đề xuất táo bạo như phải làm gọn những thủ tục hiện hành, các bộ phải thay đổi quan điểm, tư duy điều hành, mới có được những chính sách đột phá.

 

Như một doanh nhân trong ngành xây dựng công nghiệp đề xuất rất chi tiết quy trình cấp phép rút gọn để triển khai nhanh xây nhà xưởng đón đầu làn sóng chuyển dịch nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam. Với quy trình hiện hành, riêng thủ tục cấp phép, mất 6-12 tháng, như vậy chỉ có "nguy", không thể có "cơ".

Có doanh nhân chỉ rõ Chính phủ phải đột phá vào thủ tục mà hàng trăm dự án bất động sản đang vướng nhiều năm qua, kêu hoài nhưng chậm giải quyết, có vậy mới giải phóng hàng triệu tỉ đồng vốn, qua đó giúp kinh tế phục hồi.

Thậm chí còn có đề xuất Quốc hội, Chính phủ có nghị quyết ủng hộ những thủ tục, quy trình rút ngắn, có thế mới xóa đi tâm lý lo ngại nơi cán bộ "thoáng quá hóa sai, phải chịu trách nhiệm". Theo họ, không xóa đi tâm lý này ở cơ quan quản lý, sẽ khó có sự bứt phá về thủ tục, dự án vẫn đóng băng...

Hoặc có đề xuất không cần gói tín dụng lãi suất thấp 300.000 tỉ đồng ngân hàng đang cho vay, mà Ngân hàng Nhà nước cần áp dụng trần lãi suất huy động và biện pháp khác để giảm 2% lãi suất vay của 8 triệu tỉ đồng doanh nghiệp đang vay. Như vậy giảm được 160.000 tỉ đồng tiền lãi, cộng đồng doanh nghiệp rảnh tay lo khôi phục doanh nghiệp.

Cộng đồng doanh nhân đang háo hức khôi phục đời sống doanh nghiệp. Lắng nghe và đưa ra các quyết sách táo bạo, kịp thời không chỉ động viên mà còn tiếp sức cho doanh nhân khai thác mọi cơ hội đang xuất hiện sau đại dịch.