Tăng trưởng tín dụng chậm, thanh khoản ngân hàng tăng đã đẩy lãi suất tiền đồng xuống mức thấp nhất trong vòng 2 năm trở lại đây.
Một số nhà băng đã tiếp tục giảm lãi suất huy động tiết kiệm tiền đồng. Sau khi Vietcombank, Agribank giảm lãi suất tiết kiệm, BIDV cũng đã điều chỉnh giảm lãi ở một số kỳ hạn khoảng 0,3%/năm. Theo đó, lãi suất kỳ hạn 3 tháng còn 3,5%/năm, 6 tháng còn 4,5%, 12 tháng trở lên là 5,5%.
Mới đây, Techcombank giảm lãi suất từ 0,1 - 0,25% so với đầu tháng. Lãi suất kỳ hạn 1 - 2 tháng ở mức 3,7%, 6 tháng 5,2%, 12 tháng trở lên ở mức 5,8%/năm. NCB giảm lãi suất tiết kiệm tiền đồng khoảng 0,05% ở một số kỳ hạn. Cụ thể, lãi suất kỳ hạn 6 tháng xuống còn 6,6%/năm, 9 tháng 6,65%, 12 tháng 6,7%… Đối với các kỳ hạn dưới 6 tháng, lãi suất của ngân hàng này ở mức 4,75%/năm.
Là ngân hàng có mức lãi suất huy động cao trước đây, nay Saigonbank cũng đã giảm lãi suất xuống 6,3%/năm ở kỳ hạn 13 tháng - đây là mức lãi cao nhất của nhà băng này. Ở các kỳ hạn dưới 6 tháng, lãi suất huy động cũng chỉ ở mức 3,6 - 4%/năm, 6 - 11 tháng 5,7%, 12 tháng 5,9%…
Lãi suất tiền đồng trên thị trường liên ngân hàng đã thấp nay lại xuống đến gần chạm đáy. Theo đó, lãi suất bình quân liên ngân hàng ngày 18.9 kỳ hạn qua đêm xuống còn 0,15%/năm, 1 tuần còn 0,31%, 2 tuần còn 0,41%, 1 tháng còn 1,12%, 3 tháng còn 3,77%, 6 tháng còn 5,44%, 9 tháng còn 6,78%. Như vậy, lãi suất liên ngân hàng gần chạm mức thấp nhất vào thời điểm dịch Covid-19 cách đây khoảng 2 năm khi lãi suất xuống sát mức 0%. Điều này cho thấy thanh khoản trên thị trường dồi dào nên lãi suất giao dịch giữa các ngân hàng cũng xuống thấp.
Tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng hiện nay ở mức thấp là nguyên nhân dẫn đến việc lãi huy động giảm nhanh. Tính đến cuối tháng 8, tăng trưởng tín dụng đạt hơn một nửa so với cùng kỳ, ở mức 5,33% so với cuối năm 2022 (trong khi cùng kỳ năm 2022 tăng 9,87%), tín dụng nền kinh tế đạt khoảng 12,56 triệu tỉ đồng.