Hai năm vừa qua, ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, khiến các kênh đầu tư như gửi tiết kiệm, sản xuất bị kém hấp dẫn. Tiền nhàn rỗi liên tục được giới đầu tư “đổ” vào bất động sản và chứng khoán. Đây cũng là lí do làm cho hai thị trường này liên tục tăng nóng. Tuy nhiên, từ đầu tháng tư đến nay, nhiều dấu hiệu cho thấy nhà đầu tư đang âm thầm rời bỏ 2 thị trường này.
Chứng khoán: Dòng tiền đầu cơ “rút lui”
Thị trường chứng khoán vào thời điểm này năm ngoái đón nhận thêm cả triệu tài khoản mở mới, hàng chục ngàn tỷ đồng từ ngân hàng được đổ vào chứng khoán, tâm lý nhà đầu tư hồ hởi lao vào chứng khoán. Tuy nhiên, cuộc vui đã đến lúc tàn. Đến thời điểm này, VN-Index đã bước sang tuần giảm điểm thứ 5 liên tiếp, thanh khoản giảm xuống mức thấp nhất 1 năm làm nổi lên lo ngại: Dòng tiền đầu cơ chịu nhiều thiệt hại thời gian qua đã rút khỏi thị trường.
Theo thống kê, đến hết tháng 4/2022, nhà đầu tư cá nhân bán ròng hơn 4.000 tỷ đồng chứng khoán trên HoSE, trong đó, bán tập trung mạnh nhất trong tuần từ ngày 18 đến 22/4, thời điểm VN-Index “lao dốc” mạnh”. Hiếm khi nào nhà đầu tư phải chịu nhiều nỗi lo cùng lúc như hiện nay, từ trong nước đến quốc tế: áp lực lạm phát, lãi suất tăng, siết trái phiếu doanh nghiệp, kiểm soát đầu cơ, hạn chế tín dụng bất động sản, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) thắt chặt chính sách tiền tệ... Nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh cũng đang tạo sự cạnh tranh với kênh đầu tư chứng khoán.
Chia sẻ trên các diễn đàn, hầu hết nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ đều “than khóc” khi tài khoản nếu không cắt lỗ nhanh thì có thể mất 30 đến 40% tổng giá trị tài khoản. Công ty Cổ phần Quản lý quỹ đầu tư SGI (SGI Capital) cho rằng, việc siết thị trường trái phiếu doanh nghiệp, hạn chế tín dụng bất động sản tạo nhiều xáo trộn ngắn hạn lên thị trường vốn.
Bất động sản: Giá cao, thanh khoản giảm
Từ cuối năm 2021 đến nay, giá bất động sản tiếp tục tăng, một số địa phương có tình trạng sốt đất ảo, giá rao bán được “thổi” lên chóng mặt. Chính điều này khiến thị trường bất động sản rơi vào thế người có nhu cầu thực không mua được, người bán thì nghe ngóng rồi đưa ra mức giá cao nên khó bán.
Báo cáo của Bộ Xây dựng cho biết, trong quý I/2022, giá giao dịch bất động sản bình quân toàn thị trường luôn trong xu hướng tăng. Khảo sát dữ liệu biến động giá bán ở một số loại hình bất động sản tại 8 địa phương gồm: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Bình Dương, Đồng Nai, Khánh Hoà, Bà Rịa - Vũng Tàu cho thấy, giá bất động sản tại các địa phương này đang theo chiều hướng tăng đều. Đặc biệt, giá giao dịch trong tháng 3 tăng khá cao so với tháng 2.
Cụ thể, tại Hà Nội, giá căn hộ chung cư tăng 1,5%, nhà ở riêng lẻ tăng 2,2%, đất nền cho xây dựng nhà ở tăng 2,8%. Tại TP Hồ Chí Minh, giá căn hộ chung cư tăng 2,4%, nhà riêng lẻ và đất nền cũng đắt hơn lần lượt 2% và 3,6%. Giá bất động sản đang không ngừng tăng lên ở các địa phương, song điều đáng nói là, trong quý I/2022 cả thị trường chỉ ghi nhận 1.247 căn hộ được tiêu thụ, giảm 78% so với quý trước và 53% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là minh chứng rõ nhất cho thanh khoản thấp của thị trường bất động sản hiện nay.
Còn ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam thì cho rằng, thực tế giao dịch đang ở mức thấp, hạn chế bởi giá bị đẩy quá cao, giá nhà, đất không phản ánh đúng giá trị thực. “Các nhà đầu tư và người mua họ cũng tính được giá trị ở mức độ nào hợp lý. Vì vậy, người có nhu cầu thực sẽ không mua những sản phẩm bị thổi giá quá cao, dẫn đến tình trạng hấp thụ kém”, ông Đính nói.
Dưới góc độ doanh nghiệp, một lãnh đạo doanh nghiệp địa ốc chia sẻ, hiện tại, các nhà đầu tư lướt sóng đã suy giảm mạnh khi đại dịch bùng phát và rút khỏi thị trường 3 tháng qua. Nguyên nhân do thanh khoản của tài sản có dấu hiệu xuống thấp, bởi thời gian mua vào và bán ra ngày càng kéo dài hơn trước gấp nhiều lần, nhóm nhà đầu tư mua nhanh bán vội này không còn sóng để lướt.
“Sau đợt sàng lọc mạnh mẽ hai năm COVID-19, sang năm 2022, giá bất động sản tăng mạnh suốt quý I khiến thanh khoản thị trường bị thách thức, lực lượng nhà đầu tư lướt sóng mai một gần hết. Cơ hội chốt lời bất động sản ngắn hạn kiểu ăn xổi lướt sóng gần như đã bị triệt tiêu, nhường chỗ cho đầu tư tài sản dài hạn”, vị này nói.
Chứng khoán, BĐS có còn cơ hội?
Với góc nhìn dài hạn từ nay đến cuối 2022, ông Hồ Quốc Tuấn (giảng viên cao cấp, Đại học Bristol, Anh) lạc quan cho rằng đây là giai đoạn tốt để vào đầu tư và nhiều cổ phiếu đang có mức định giá được xem là hợp lý, cũng như khối ngoại vẫn đang mua ròng mạnh trong tháng vừa qua.
Còn ông Nguyễn Văn Đính thì nhận định: Dù nguồn cung đang khan hiếm nhưng do môi giới, đầu cơ đẩy giá lên quá cao nên sẽ không có người mua. Những người có nhu cầu ở thực đều tìm kiếm những khu giá cả hợp lý, chủ đầu tư uy tín và dự án đáp ứng tiêu chí về giá cả, pháp lý mới thực sự được quan tâm.