Khi nền kinh tế công nghiệp đang dần suy yếu, mối quan hệ bảo lãnh lẫn nhau giữa các doanh nghiệp Trung Quốc có thể gây rủi ro vỡ nợ hàng loạt...
Sáu công ty thuộc sở hữu tư nhân tại Sơn Đông - một trong những tỉnh giàu nhất Trung Quốc đã mất khả năng trả nợ hoặc gần như đóng cửa trong ba tháng vừa qua. Dư nợ quá hạn của các công ty này lên đến 68,1 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 9,7 tỷ USD), thực sự đã làm “rụng rời” các nhà đầu tư, cho dù đó là những người dày dặn kinh nghiệm nhất.
Vấn đề không chỉ nằm ở việc mất khả năng trả nợ của các công ty trên mà nó còn có thể ảnh hưởng nghiêm trọng sang các tỉnh khác. Có một thực tế phổ biến là các công ty ở Sơn Đông thường bảo lãnh cho khoản nợ của các công ty khác (bảo lãnh chéo lẫn nhau). Các doanh nghiệp không bắt buộc phải công khai những khoản nợ này, vì vậy các nhà đầu tư luôn phải đặt câu hỏi về việc công ty mà họ đang rót vốn vào có đang bảo lãnh cho doanh nghiệp nào hay không và với số vốn bao nhiêu.
Khi mà nền kinh tế công nghiệp từng một thời phát triển mạnh mẽ đang yếu đi, mối quan hệ không rõ ràng giữa các công ty tư nhân ở các tỉnh có thể kéo họ xuống cùng nhau.
Quy mô vỡ nợ nội địa theo tỉnh ở Trung Quốc. |
Đây là một trong nhiều thách thức mà các nhà đầu tư trái phiếu ở Trung Quốc hiện nay đang phải đau đầu giải quyết khi mà quy mô vỡ nợ nội địa đã tăng từ 0 trong vài năm trước lên đến 126,7 tỷ nhân dân tệ (tương ứng 18 tỷ USD) vào năm 2019.
Theo Fitch Ratings, tỷ lệ mất khả năng trả nợ đối với trái phiếu do các công ty ngoài quốc doanh phát hành ở Trung Quốc đã tăng lên mức kỷ lục là 4,5% trong 10 tháng đầu năm 2019. Fitch còn cho biết thêm tỷ lệ này có thể sẽ cao hơn vì một số doanh nghiệp sẽ dàn xếp kín với trái chủ chứ không thông qua hoạt động thanh toán bù trừ. Trong khi đó, tỷ lệ này ở các doanh nghiệp quốc doanh chỉ là 0,2% nhờ vào sự hỗ trợ về tài chính từ chính phủ cũng như việc dễ dàng tiếp cận với nguồn vốn từ các ngân hàng.
Ở Sơn Đông, nỗi lo sợ về việc vỡ nợ lan rộng theo nhiều cách khác nhau. Vào cuối tháng 10/2019, tin xấu về một tập đoàn ngô và thép trong tỉnh đã kéo giá trái phiếu ở hai tỉnh làng giềng đi xuống theo. Tập đoàn sản xuất nhôm Hồng Kiều Trung Quốc và nhà phân phối thực phẩm Shandong Sanxing đã bảo lãnh cho khoản nợ của công ty khác khiến cho nhiều nhà đầu tư lo ngại rằng việc này sẽ kéo trái phiếu của họ thấp xuống mức kỷ lục.
Tập đoàn Hồng Kiều đã cố gắng trấn an các chủ nợ của mình bằng việc thông báo họ không có mối quan hệ kinh doanh với bất cứ tổ chức nào cũng như không có dự định hỗ trợ vốn cho các công ty khác. Tuy nhiên, các nhà đầu tư vẫn cảm thấy không thuyết phục và ba công ty xếp hạng quốc tế lớn nhất vẫn giữ nguyên xếp hạng của Hồng Kiều, đẩy lãi suất trái phiếu tăng lên 14 %, mức cao kỷ lục.
Hiện tại, chính quyền Thành phố Sơn Đông đã có những động thái để giải quyết tình hình trên. Một số doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước đã đồng ý trở thành cổ đông và đảm bảo cho các khoản nợ quá hạn, ví dụ như trường hợp công ty Ruyi được công ty Jining City Construction hỗ trợ. Mặc dù vậy, các doanh nghiệp và trái chủ cũng phải tự mình đưa ra các giải pháp phù hợp.
Theo ông Ivan Chung, Giám đốc bộ phận nghiên cứu và phân tích tín dụng của Trung Quốc tại Moody cho biết các doanh nghiệp địa phương phải tìm cách tái tài trợ (vay vốn để có thể hoàn trả các khoản nợ vay trước – refinance) cũng như cung cấp đầy đủ và chính xác thông tin cho các nhà đầu tư của họ.
Tuy nhiên, giới phân tích vẫn chưa rõ liệu chính quyền ở những nơi khác của Trung Quôc sẽ có những hành động tương tự chính quyền Sơn Đông hay không, dù ho cũng có mục tiêu là duy trì việc làm và sự ổn định. Nhưng thực tế, áp lực phải giải cứu các công ty đã giảm bớt, kể từ khi Bắc Kinh bắt đầu cho phép các công ty vỡ nợ từ năm 2014. Hệ quả là các doanh nghiệp và các trái chủ sẽ phải tự mình xoay sở. "Về lâu dài, các doanh nghiệp phải trở nên minh bạch hơn và cải thiện hoạt động quản trị doanh nghiệp để khôi phục niềm tin của các tổ chức tài chính", ông Ivan Chung nhận định.
An Lê
Nguồn Bloomberg